Sáu mức độ tin cậy trong cộng tác

0 nhận xét

Trong cuộc phỏng vấn của tạp chí New York Times, Peter Loscher, chủ tịch kiêm tổng giám đốc hãng Siemens, đã nói về tầm quan trọng của sự tin tưởng giữa các thành viên trong nhóm. Khi trình bày về “Sức mạnh của sự cộng tác”, Carol Kinsey Goman, diễn giả và tác giả một số cuốn sách về quản trị, cũng đề cập vấn đề này nhưng có khác đi đôi chút.

1. Tin tưởng chính mình và giá trị đóng góp công sức của bạn

Con người là loài động vật có cả chức năng giáo dục lẫn chức năng tiếp thu. Chúng ta hãnh diện về những điều đã học hỏi và mở rộng kiến thức cho bản thân.

Tuy nhiên, để có thể trở thành người có khả năng đóng góp sinh động, chúng ta phải tin rằng sự hiểu biết cũng như ý kiến của mình có tính chất quan trọng và kiến thức cũng như kinh nghiệm bản thân đều có ích cho người khác.

Nếu không tin tưởng vào kiến thức lẫn tính sáng tạo của mình, bạn sẽ rất khó đưa ra ý tưởng thuyết phục người khác.

2. Tin tưởng giữa các thành viên trong nhóm

Những cuộc nghiên cứu về “tính hiệu quả của sự tiếp cận” cho thấy, khi thường xuyên nhìn thấy người nào đó, chúng ta sẽ dần dần quen thuộc, rồi trở nên ưa thích và tin tưởng họ. Nếu niềm tin đặt đúng chỗ sẽ giúp tăng cường sự hiểu biết và mối liên hệ giữa các thành viên vốn đòi hỏi không ít thời gian. Các vị lãnh đạo có kinh nghiệm đều biết, trong thời gian đầu của dự án, thời gian làm quen nhau và cộng tác tốt thường dẫn tới việc xây dựng các mối quan hệ tin tưởng và cũng giúp gia tăng năng suất làm việc.

3. Tin tưởng vào trưởng nhóm

Ngoài văn hóa của công ty, trưởng nhóm có thể tạo ra văn hóa tin tưởng ngay trong nhóm của mình. Họ thường thực hiện điều đó bằng cách dùng thời gian và nỗ lực cần thiết để làm cho nhân viên cảm thấy an toàn và hữu dụng. Trưởng nhóm hướng tới sự khăng khít trong tập thể, khích lệ sự vô tư và những tranh cãi mang tính xây dựng. Trưởng nhóm giúp các thành viên nhận biết được những gì mà mỗi cá nhân mang lại cho tập thể. Họ chia sẻ lời khen ngợi, tiền thưởng và thành tựu của nhóm cũng như cùng rút ra những bài học thất bại.

4. Tin tưởng tầm quan trọng của dự án

Nhìn chung, mọi người có vẻ không thích cộng tác trong dự án mà họ cho là quy mô nhỏ, không xứng đáng với sự đóng góp của họ. Trái lại, người ta lại thích chia sẻ thông tin khi có sự thúc ép, bắt buộc phải làm, hoặc khi làm việc trong một dự án quan trọng. Do đó, vị lãnh đạo cần giải thích rõ ràng nhu cầu kinh doanh thiết yếu của tổ chức, vai trò của dự án nhằm làm mọi người thấu hiểu và cộng tác tốt.

5. Tin tưởng nhân viên

Qua cách cư xử của sếp, nhân viên thường biết được sếp quan tâm điều gì. Thông thường, có một khoảng cách giữa lời nói và hành động. Nhân viên có thể nghe sếp đòi tham gia công việc, nhưng rồi sau đó lại khéo léo thoái thác và từ chối. Điều đó chứng tỏ sếp chẳng quan tâm chút nào tới ý kiến của người khác. Nhân viên có thể nghe các vị lãnh đạo nói rằng việc chia sẻ kiến thức với nhau là điều cần thiết, nhưng họ lại chẳng thấy sếp tin tưởng nơi họ. Hãy tin tưởng nhân viên thông qua cách thể hiện tính thành thật và ngay thẳng.

6. Tin tưởng sức mạnh tập thể

Con người thường phấn đấu trong các mối quan hệ tập thể, nên chúng ta có khả năng chung sức để làm những việc vĩ đại. Nếu mọi cá nhân trong tập thể ý thức và tin tưởng không một thành viên nào lại sáng suốt hơn tất cả mọi người thì tập thể đó có thể thực hiện những gì mà cá thể không thể nào làm được.

0 nhận xét: