“Tôi làm việc quần quật không phải vì tiền. Tiền tôi không thiếu, xài thoải mái ba đời cũng không hết. Tôi cũng không có nhu cầu hưởng thụ. Tôi làm việc chỉ vì đam mê...”
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), người Việt Nam đầu tiên vừa được nhật báo tài chính hàng đầu thế giới Wall Street Journal (WSJ) bình chọn là một trong 29 doanh nhân quyền lực nhất khu vực Đông Nam Á.
Ông Đức với Phó Thủ tướng Thường trực Lào Xổm Xa Vạt Lềnh Xa Vát.
Thưa ông, câu chuyện làm giàu của ông đã vượt ra khỏi đất nước Việt Nam, ông được WSJ bình chọn là một trong những doanh nhân quyền lực nhất khu vực Đông Nam Á. Ông đón nhận sự kiện này như thế nào?
Tôi vừa xuống sân bay, thì nghe anh em nói thông tin đó. Tôi chưa từng tiếp xúc với người của WSJ và cũng không biết họ bình chọn thế nào. Tuy nhiên, WSJ là tờ báo uy tín trên thế giới, nên việc tôi có tên trong danh sách bình chọn của họ quả là một thông tin tốt lành.
Ông nghĩ gì khi được chọn là doanh nhân có quyền lực?
Không biết họ có nói quá hay không. Quyền lực, theo cách hiểu của tôi là uy tín và sức mạnh kinh tế. Cả hai yếu tố này không tự dưng mà có. Trong hệ thống tập đoàn, tôi là người có quyền lực thật sự. Tôi chịu trách nhiệm chính trước hàng ngàn cổ đông và nhân viên. Tôi chấp nhận phản biện của cổ đông, của cấp dưới và đi đến quyết định cuối cùng vì quyền lợi của tập đoàn cũng như cá nhân tôi.
Ông là doanh nhân Việt Nam đầu tiên được WSJ bình chọn là người có quyền lực. Ông có ngạc nhiên không?
Bất ngờ nhưng không ngạc nhiên vì, vươn ra thế giới là lộ trình của HAGL. Quan điểm tôi là nói ít, làm nhiều. Học sinh đi học, kết quả được đánh giá là có lên lớp hay không? Còn với doanh nghiệp, lợi nhuận là thước đo cho sự thành công.
Ông có thể chia sẻ cách mà HAGL đã “vượt bão”?
Tại sao thị trường bất động sản điêu đứng, nhiều doanh nghiệp ngột ngạt, bế tắc vì thiếu vốn nhưng chúng tôi không bị ảnh hưởng? Trong kinh doanh, nguồn vốn quan trọng nhất, có vốn là thắng. Trong khi chúng tôi không thiếu vốn. Cần thêm vốn, chúng tôi đủ uy tín để huy động vốn quốc tế mà không bị ràng buộc, áp lực bởi lãi suất cao của vốn vay trong nước.
Trước đây, chúng tôi xác định lãi của tập đoàn chủ yếu thu từ bất động sản thì cách đây vài năm, tôi đã chuyển hướng, bất động sản chỉ còn chiếm khoảng 25% hoạt động kinh doanh của tập đoàn và do chúng tôi không lệ thuộc vào vốn nên bất động sản của HAGL vẫn đứng vững và cạnh tranh về giá. Chúng tôi đang đi bằng 4 chân, bất động sản có yếu đi thì tôi vẫn vững 3 chân còn lại, đó là thủy điện, khai khoáng và đặc biệt là cao su.
Không bao giờ bỏ bóng đá
Trò chuyện với ông cách đây vài năm, tôi thấy ông rất hào hứng với bóng đá. Còn bây giờ, ông tỏ ra đặc biệt hào hứng với cây cao su?
Không hào hứng sao được khi HAGL đang sở hữu hơn 100.000 ha đất có thể trồng cao su ở 3 quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia. Năm 2014, tôi sẽ có 50.000 ha cao su thu hoạch với lợi nhuận ước tính 450 triệu đô la/năm. Và không hào hứng sao được khi tôi trở về với công việc của một nông dân, là gốc gác của tôi. Có dạo, thấy tôi vắng, bạn bè hỏi đang ở đâu, tôi trả lời: Tôi đang ở rẫy. Mà tôi ở rẫy thật.
Hào hứng với cao su, thế ông có lạnh nhạt với bóng đá? Ông bình luận gì khi vừa rồi một số ông bầu rút ra khỏi cuộc chơi bóng đá?
Tình yêu bóng đá trong tôi vẫn cháy bỏng. Nhờ bóng đá, tôi mới có như ngày hôm nay nên tôi không bao giờ bỏ bóng đá. Tôi còn nhớ, cách đây hơn 10 năm, báo chí ở nước ngoài chạy tít lớn: Bầu Đức là ai? HAGL là ai mà dám mua cầu thủ Kiatisak? Hồi đó, họ chưa biết chúng tôi. Giờ thì đã biết. Bóng đá không làm ra lợi nhuận trực tiếp nhưng lợi nhuận gián tiếp thì không thể kể hết.
Hiện tại, tôi vẫn duy trì đội bóng nhưng đầu tư tổng lực thì không. Việc một số doanh nghiệp rút ra khỏi thị trường bóng đá, tôi nghĩ họ hoàn toàn có lý. Một trận bóng đá tốn 3 tỷ bạc nhưng thu lại được gì khi sân bóng lưa thưa vài chục khán giả. Quản lý bóng đá VN mình chưa chuyên nghiệp.
Làm không phải vì tiền
Là ông chủ của tập đoàn kinh doanh đa ngành như vậy, ông bố trí thời gian làm việc thế nào?
Tôi làm việc bất kể giờ giấc, chỉ tính hết việc mà không tính hết giờ. Thời gian làm việc hầu như chiếm gần hết quỹ thời gian của tôi. Tôi làm việc bất cứ lúc nào, bất kể ở đâu, trên đường ra sân bay, ngồi trên máy bay, khi ăn, khi ngủ.
Có ngày tôi bay vài chuyến, có ngày tôi có mặt ở 2-3 nước. Có những ngày, tôi triệu tập 3-4 cuộc họp quan trọng, quyết định những vấn đề có tính chiến lược. Lạ một điều, tôi chưa từng thấy mệt mỏi, chán nản về cả thể chất lẫn tinh thần.
Làm việc vất vả thế có phải vì ông quá đam mê kiếm tiền?
Tôi làm việc quần quật không phải vì tiền. Tiền tôi không thiếu, xài thoải mái ba đời cũng không hết. Tôi cũng không có nhu cầu hưởng thụ. Tôi làm việc chỉ vì đam mê và nói thật, vì điều gì nữa tôi cũng không thể định nghĩa. Cuộc sống mà, phải có người này người khác. Người đam mê cái này, kẻ đam mê cái kia. Tôi đam mê công việc.
Tôi không chơi ngông
Khi bình chọn ông là doanh nhân có quyền lực, WSJ có đề cập đến việc ông là người VN đầu tiên từ sau giải phóng sở hữu máy bay riêng. Ông có tự hào về điều này?
Tôi bỏ tiền túi sắm máy bay không phải vì tôi chơi ngông mà tôi có nhu cầu làm ăn thật sự. Với tài sản hiện có của tôi thì chiếc máy bay chỉ như một chiếc xe máy của một người có thu nhập bình thường. Mục đích của chiếc máy bay hay chiếc xe máy, suy cho cùng cũng như nhau, là phương tiện đi lại làm ăn.
Có thể nói, chiếc máy bay là phương tiện làm ăn tuyệt vời của tôi. Tôi có thể chủ động bay bất cứ lúc nào có nhu cầu. Ngồi với anh ở Sài Gòn vào giờ này, 5 giờ chiều nhưng có thể tối nay, tôi có mặt ở Gia Lai. Thậm chí, có mặt ở Lào!
Những lúc căng thẳng, ông có nhu cầu thư giãn chứ?
Hiện tại, tôi có hai cách thư giãn, đều tuyệt vời. Một là bay về phố núi Pleiku, ngồi xem cầu thủ nhí ở Học viện Bóng đá đá bóng. Các em đá vô tư, không toan tính. Hai là, tôi tự lái xe thăm vườn cao su.
Tuyển nhân sự không cần bằng cấp
Cách đây không lâu, ông có câu nói ấn tượng trên báo: “Tôi không cho không ai cái gì bao giờ”. Nhiều người ủng hộ câu nói của ông nhưng có người nói ông sòng phẳng quá?
Tôi gốc nông dân, tôi nói thẳng nói thật. Trong cuộc sống, không ai giúp mình cả đời và cũng không ai muốn nợ người khác cả đời. Có qua có lại mới toại lòng nhau. Đó thật sự là mối quan hệ bền vững.
Ông tự nhận là người ít học, nhưng có năng khiếu quản trị, biết xoay chuyển tình hình trong kinh doanh mà thành công. Giờ HAGL đã vươn ra khu vực, ông có cảm thấy chút bối rối nào khi điều hành công việc hay không?
Tôi không giấu dốt, không mắc cỡ khi học hỏi. Thành thật mà nói, tôi học nhiều người lắm, và copy thành tựu của nhiều người để tích lũy kiến thức riêng cho mình. Trước tôi còn cắp cặp đến các lớp tập huấn, tích lũy kiến thức, học hỏi kỹ năng, nhưng 15 năm nay, do không sắp xếp thời gian được nên tôi tự học theo cách của mình, có khi tôi đọc tài liệu suốt đêm.
Tôi học trường đời nhiều lắm và đây là bể học vô tận. Ví dụ, nói về lĩnh vực cao su, tôi không có bằng cấp gì nhưng kỹ sư nông nghiệp khi trao đổi với tôi cũng mệt mỏi đấy nhé.
Ông là linh hồn của tập đoàn, thế còn cấp dưới của ông?
Tôi là người cầm trịch nhưng dưới tôi là một đội ngũ cán bộ có năng lực, có tâm huyết, lăn lộn với công việc thật sự và nếu không có họ thì không thành công như hôm nay. Tôi không có thuộc cấp com lê cà vạt. Chúng tôi chưa bao giờ đăng báo tuyển dụng nhân sự và nhân sự của tôi luôn ổn định.
Nói không ngoa, ít ai làm việc tại HAGL mà xin nghỉ việc vì bức xúc. Ví như nếu có, tôi sẽ xem xét trách nhiệm và xử lý cán bộ quản lý trực tiếp có người nghỉ việc đó vì sao để xảy ra cơ sự. Có một đặc điểm tuyển dụng của HAGL, xem ra không khoa học lắm, đó là: Tuyển dụng nhân sự nhưng không đòi hỏi bằng cấp.
Cảm ơn ông.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét