Nghệ thuật kinh doanh của Steve Jobs

0 nhận xét



Theo tamnhin.net
Thế giới vĩnh biệt huyền thoại Steve Jobs, người đã làm một cuộc cách mạng trong triết lý kinh doanh và mang lại cho đời “những sản phẩm trong mơ”.


Steve Jobs, người đồng sáng lập và cựu giám đốc điều hành Apple - đã qua đời vào chiều ngày 5/10/2011) ở tuổi 56, sau một năm dài chống chọi với bệnh ung thư tuyến tụy và trải qua cuộc phẫu thuật ghép gan năm 2009.

Steve Jobs đã có công biến Apple “bên bờ phá sản” năm 1996 trở thành một tập đoàn có giá trị niêm yết cao nhất trên thế giới (đôi khi còn vượt cả người khổng lồ ExxonMobil).

Steve Jobs là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp kỳ tài, hiếm có lịch sử kinh doanh đương đại. Sự nghiệp của ông chính là thông điệp hùng hồn cho thấy một cá nhân cũng có thể làm nên lịch sử. Đúng như thông cáo của Apple, “thế giới này tốt đẹp hơn là nhờ sự đóng góp của Steve”.

Những bài học cơ bản rút ra từ cuộc đời Steve Jobs cho thấy kinh doanh chính là nghệ thuật, chứ không phải là một môn khoa học có thể học hỏi thông qua hệ thống đào tạo thông thường. Cũng giống như những tài năng “học dở đại học” Bill Gates (sáng lập tập đoàn phần mềm khổng lồ Microsoft) và Mark Zuckerberg (sáng lập Facebook), Steve Jobs có biệt tài “đọc” được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng hơn tất cả các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đương thời mà không tốn nhiều công khảo sát thị trường, không cần các cuộc hội thảo cũng như các công trình nghiên cứu công phu.

Khách hàng không phải là Thượng đế

Khi được hỏi liệu ông có nghiên cứu kỹ xu hướng và thị hiếu của người tiêu dùng trước khi cho ra đời iPad, Steve Jobs trả lời: “Không, chính những người tiêu dùng cũng không hề biết họ muốn cái gì. Đó không phải là công việc của họ. Bạn không thể hỏi khách hàng muốn cái gì và sau đó cố gắng cung cấp cho họ cái mà họ muốn. Vào thời điểm mà bạn chế tạo xong sản phẩm mà khách hàng yêu cầu, họ lại muốn một cái gì đó mới hơn”.

Tuyên bố đầy kiêu ngạo này trái ngược với chủ nghĩa tư bản vốn coi “khách hàng là Thượng đế” và các công ty cạnh tranh với nhau nhằm thỏa mãn sở thích của các vị thượng đế này. Cuộc đời của Steve Jobs chứng minh rằng thị trường là nơi để sáng tạo, để định hướng thị hiếu của người tiêu dùng, chứ không phải chạy theo sở thích của họ.

“Táo bạo” chính là một tố chất khiến cho Apple nổi bật lên trong số các đối thủ cạnh tranh trực tiếp cũng như trong số các công ty đồng đẳng khác. Kể từ khi cho ra đời máy tính Macintosh trong năm 1984 đến các thế hệ iPhone, iPod và iPad đời mới nhất, Steve Jobs luôn luôn làm ra những sản phẩm mê hoặc đông đảo người tiêu dùng. Steve Jobs đã “biến thành thị trường và chính thị trường lại ở trong ông”. Nếu có một vị lãnh đạo doanh nghiệp nào trở thành nhà tiên tri và định hướng được thị trường, người đó chính là Steve Jobs.

Ngoài việc thiết kế sản phẩm độc đáo đi trước thời đại và đánh trúng tâm lý, văn hóa của người tiêu dùng, Steve Jobs còn tung ra những thủ thuật tiếp thị táo bạo. Apple luôn đưa ra một lượng sản phẩm mới hạn chế, tạo ra tình trạng khan hiếm và khiến khách hàng thèm khát cực độ. Chiến lược tiếp thị này quả là một “con dao hai lưỡi” và khá mạo hiểm, vì người tiêu dùng thiếu kiên nhẫn có thể chuyển sang mua một iPad hoặc iPhone của đối thủ cạnh tranh mà không cần phải “mỏi mòn chờ đợi” sản phẩm của Apple.

Ngoài sự hiểu biết thấu đáo về kỹ thuật, logistics và chuỗi cung ứng, Steve Jobs còn có sự tự tin và khôn khéo của một nhạc trưởng bậc thầy trong việc thực thi chiến lược tiếp thị này. Ông biết rằng đám người tiêu dùng “đói khát” kia sẽ kiên nhẫn chờ đợi món “đặc sản” của Apple chứ không chịu “lót bụng” bằng những sản phẩm kém chất lượng so với “quả táo cắn dở”.

Chinh phục thị trường Trung Quốc

Cung cách mà Apple thâm nhập và đột phá thị trường Trung Quốc - một thị trường mà nhiều hãng công nghệ phương Tây thường bị lâm vào tình trạng “thả gà ra mà đuổi” - xứng đáng trở thành một khuôn mẫu được đưa vào giáo trình giảng dạy của các trường đại học quản trị kinh doanh nổi tiếng trên thế giới.

Trong khi nhiều hãng công nghệ phương Tây bị thảm bại ở Trung Quốc, tập đoàn Apple đã tiến vào thị trường khổng lồ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với uy tín vượt trội và dễ dàng móc tiền từ những chiếc ví đang căng đầy của tầng lớp người tiêu dùng Trung Quốc thích khoe mẽ và sính hàng hiệu. Steve Jobs đã làm câm lặng các nhà phân tích luôn nhấn mạnh đến những nét đặc thù văn hóa Trung Quốc và hay chỉ trích các công ty đa quốc gia thiếu hiểu biết về địa phương. Là một nhà tư bản đương đại có tham vọng và tầm nhìn không kém gì Henry Ford ngày xưa, Steve Jobs đã “bắt mạch” được thị trường Trung Quốc và nhận thấy rằng toàn cầu hóa có thể vượt qua được những rào cản văn hóa, dân tộc chủ nghĩa, địa phương cục bộ và phân biệt đối xử. Với việc khách hàng Trung Quốc mua sản phẩm của Apple để thỏa mãn giấc mơ vật chất của họ, toàn cầu hóa đang ngày càng trở thành một thế lực hùng mạnh, với Steve Jobs là một trong những người lính xung kích.

“Hiện tượng đặc biệt" Apple

“Nền kinh tế Apple” là một hiện tượng đặc biệt, toàn cầu hóa các cơ hội việc làm. Với số lượng đông đảo khách hàng, các nhà sản xuất, nhân viên bán hàng và lắp ráp ở bên ngoài nước Mỹ, Apple dưới thời Steve Jobs chính là biểu tượng cao nhất về tổ chức kinh tế toàn cầu. Tuy bản sắc địa phương vẫn còn hiện hữu trong một số lĩnh vực, nhưng trong lĩnh vực công nghệ cao, công việc kinh doanh của Steve Jobs đã xóa nhòa những đường biên giới quốc gia.

Giống như một nhạc trưởng tài ba, Steve Jobs đã dẫn dắt thính giả theo cách mà ông muốn. Ông không phải là một nhà sản xuất các vở opera “mì ăn liền”, chiều theo thị hiếu tầm thường của khách hàng. Cũng giống như đạo diễn phim tài ba người Anh Alfred Hitchcock (13/8/1899- 29/4/1980), người từng thú nhận đã biến “khán giả thành những phím đàn piano”, Steve Jobs chính là người đã quyết định hình thức cũng như nội dung công nghệ sử dụng hàng ngày và quần chúng chỉ còn cách ngả nghiêng theo “chiếc gậy chỉ huy” của ông.

Steve Jobs chính là CEO thành công nhất ở Mỹ trong suốt 25 năm qua. Ông đã kết hợp sự nhạy cảm của một người nghệ sĩ tài ba với sự thấu hiểu công nghệ của một kỹ sư xuất chúng và tạo nên một công ty vô cùng đặc biệt. Steve Jobs thực sự là một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp vĩ đại nhất lịch sử Mỹ.

Minh Bích

0 nhận xét: