Khởi nghiệp kinh doanh ngành CNTT

0 nhận xét




Trong con mắt mọi người CNTT là một ngành hấp dẫn. Sự hấp dẫn đó đến từ những biểu tượng thành công chói lòa từ bên ngoài với những Bill Gates, Steve Job, Larry Ellison,...hay trong nước như Trương Gia Bình, Nguyễn Thành Nam, Hà Thế Minh,..
CNTT đang thâm nhập sâu rộng vào từng ngóc ngách của cuộc sống. Những giá trị mà CNTT mang lại rõ ràng là hết sức to lớn.



Việc đào tạo CNTT đang được đẩy nhanh với hàng loạt chủ trương lớn của Chính phủ. Hầu như trường Đại học nào cũng có khoa CNTT, bên cạnh đó kiểu đào tạo nặng tính thực dụng như các hệ thống Aptech, NIIT cũng phát huy tối đa công dụng. Kết quả là hiện nay Việt Nam có một đội ngũ nhân lực có hiểu biết về CNTT khá đông đảo, dù rằng chất lượng còn nhiều điều phải bàn.

Có nhiều bạn trẻ chọn khởi nghiệp với CNTT, đa phần là dân trong ngành. Chỉ có một số ít ỏi là dân ngoại đạo đến từ Ngoại thương, Kinh tế, Thương mại. Nền tảng đào tạo cho họ những góc nhìn, phương thức kinh doanh và phong cách ứng xử khác nhau rõ rệt.


Khởi nghiệp CNTT-Dễ hay khó


Nhiều bạn trẻ mở công ty ngay sau khi tốt nghiệp đại học, thậm chí sớm hơn. Không quá khó để bắt đầu
kinh doanh CNTT: một văn phòng nhỏ, vài chiếc máy tính có nối mạng...là đủ cho những chàng trai nhiều mơ ước bắt đầu thử sức với cuộc chơi đầy cám dỗ. Về thuế, CNTT và đặc biệt là phần mềm được hưởng nhiều ưu đãi (Doanh nghiệp phần mềm được miễn thuế 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế)

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản nêu trên, thì kinh doanh trong
ngành CNTT thật sự không dễ dàng, thậm chí là rất khó khăn. Từ lúc bắt đầu cho đến khi vận hành được vài năm, bạn sẽ gặp một số khó khăn sau đây:

*
Khó huy động vốn: để doanh nghiệp hoạt động được, bạn cần cung cấp tài chính cho nó. Nguồn tiền bao gồm vốn chủ sở hữu và nợ vay. Như một đứa trẻ háu ăn, doanh nghiệp của bạn ngốn rất nhiều tiền (mà thường là bạn không dự trù được) trong giai đoạn đầu và đặc biệt là trong giai đoạn chớm phát triển hoặc bùng nổ.

Nếu bạn là một người trẻ và gia đình chẳng dư dả gì thì quả thật rất khó khăn để huy động vốn. Sổ sách tài chính của bạn cũng chẳng làm ngân hàng động lòng, trừ khi bạn có tài sản thế chấp (đừng tính chuyện mang công ty của bạn đi thế chấp làm gì nhé). Cần biết rằng, một doanh nghiệp CNTT khởi nghiệp tương đối thành công thường đạt mức cân bằng thu chi sau khoảng 2 năm hoạt động. Thiếu vốn là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới hàng loạt các khó khăn khác.

Có một cách hay được các doanh nghiệp trẻ dùng để huy động vốn là tiếp cận với các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC), đặc biệt đối với các công ty dotcom. Bằng cách bán một cơ số % cổ phần (thường từ 30-50%), họ nhận được một số tiền (200,000 USD-2,000,000 USD) để vận hành doanh nghiệp. Đây được xem là một cách tiếp cận khôn ngoan, vừa huy động được đủ vốn phục vụ bài toán kinh doanh, vừa được dịp khuyếch trương hình ảnh

*
Thiếu nhân sự giỏi: các bạn trẻ khi bắt đầu khởi nghiệp thường có năng lực. Song, năng lực đó chưa đạt tới độ chín mà mới chỉ ở dạng tiềm năng, còn phải qua "ba chìm, bảy nổi" nữa mới thành người tài thực sự được.

Thêm vào đó, sự liên kết giữa những người giỏi nhìn chung là yếu (có lẽ do nền văn hóa tiểu nông chăng?). Do thiếu tiền nên doanh nghiệp của bạn càng ít cơ hội sở hữu những thành viên có năng lực, trong khi nhân sự tốt hiếm hoi lại dễ bị các doanh nghiệp lớn câu kéo. Bản thân công ty nhỏ không có đủ những bài toán/dự án có độ phức tạp đủ để thách thức người tài, thành ra người có năng lực sẽ rơi vào cảm giác đang "dùng dao mổ trâu giết gà", thiếu cơ hội để thi thố tài năng.

Trong lĩnh vực công nghệ, người giỏi là vũ khí cạnh tranh quan trọng nhất, thiếu họ doanh nghiệp của bạn sẽ nhanh chóng bị gạt ra ngoài cuộc chơi.

*
Thiếu kiến thức và kinh nghiệm: Ra trường, hăm hở xây dựng doanh nghiệp của mình. Đến một lúc nào đó, người chủ doanh nghiệp thảng thốt vì những yếu kém của mình. Họ không có kiến thức/kinh nghiệm cơ bản về tài chính, về quản lý con người, về gây dựng văn hóa doanh nghiệp, về marketing và bán hàng,...

Kết quả của việc những người thiếu kiến thức & kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp ra sao, chắc các bạn cũng hiểu. Những giám đốc trẻ này tìm đến sách như một cứu cánh cuối cùng. Họ ngốn ngấu vô số sách viết về business. Phải sau một khoảng thời gian đủ dài, đủ va vấp họ mới thấu hiểu được nhiều điều tưởng chừng đơn giản trong những quyển sách đó, rút ra bài học cho bản thân và áp dụng lại với doanh nghiệp của mình. Thật may, trong thời đại CNTT việc tìm kiếm kiến thức là khá dễ dàng.

* Cuối cùng, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp trẻ thường gặp phải là
thiếu một chiến lược nhất quán, dựa trên sự định vị bản thân sâu sắc (positioning) và hiểu biết về thị trường mục tiêu (segmentation). Binh pháp dạy phải "biết mình, biết người". Không biết mình cũng không biết người, đánh là thua chắc.

Biết mình là việc các bạn cần làm. Dưới góc độ một người đi trước, tôi cung cấp một cái nhìn tổng quan về phân nhóm các thị trường mà ở đó, doanh nghiệp CNTT đang hoạt động mạnh mẽ

Phân chia thị trường CNTT


Hiện nay, các doanh nghiệp CNTT chủ yếu hoạt động hướng tới 4 nhóm sau:


*
Chính phủ: các tên tuổi cần nhắc đến như FPT, CMC, HPT, HiPT, Sao Bắc Đẩu, Tinhvân,...Có thể thấy rằng, đa phần các doanh nghiệp nhóm này tập trung ở miền Bắc (với trọng tâm là Hà Nội- nơi đặt trụ sở của hầu hết các cơ quan chính phủ). Doanh nghiệp tiếp cận dự án thông qua hình thức đấu thầu/chào hàng.

Đây là phương pháp không dành cho các doanh nghiệp mới với hàng loạt điều kiện loại bỏ đối thủ (barrier) được ghim trong hồ sơ mời thầu: số năm kinh nghiệm, các chứng chỉ đối tác với hãng, năng lực tài chính, danh sách hợp đồng lớn,...Đây là cuộc chơi công bằng, đứng theo góc độ tiếp cận của chủ đầu tư khi cần lựa chọn một đơn vị đủ năng lực thực hiện bài toán.

Nhưng nhìn theo góc độ xử lý bài toán kỹ thuật, sẽ thiếu công bằng cho các doanh nghiệp nhỏ vì họ hoàn toàn có khả năng xử lý tốt vấn đề. Thậm chí là hơn cả những doanh nghiệp lớn vì họ sẵn sàng dồn toàn bộ tinh hoa, tập trung toàn bộ nỗ lực cho dự án. Tiếc rằng, cơ chế không cho họ một cơ hội dù là nhỏ nhất. Để được ngoi lên chiếu trên, họ phải trải qua một quãng thời gian đủ dài (tối thiểu 5 năm) và tích lũy đủ hành trang để vượt qua những barrier hiểm nghèo kia.

Nếu bạn tin tưởng vào quan hệ của mình với khách hàng, thì có thể dùng việc liên danh với một đơn vị đủ điều kiện để vượt qua thách thức về hồ sơ này. Chú ý khi liên danh phải có ràng buộc rõ ràng bằng hợp đồng để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình

*
Doanh nghiệp: các đại gia bao gồm FPT, Pythis, Misa,...Doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền, song để lấy được đồng tiền của họ thì đúng là phải đổ máu mắt. Doanh nghiệp cần sản phẩm để dùng thật, vì thế họ rất săm soi món hàng được cung cấp, thử chán thử chê, chỉnh lên chỉnh xuống rồi mới nghiệm thu thanh lý cho.

Tuy nhiên, làm với doanh nghiệp thì không những chuyên môn được nâng cao, mà ý thức phục vụ (service mindset) cũng hoàn toàn biến đổi theo hướng tích cực. Một số giải pháp mà doanh nghiệp quan tâm là: hạ tầng CNTT, dịch vụ lưu trữ, dịch vụ bảo mật, các hệ thống phần mềm: nhân sự, kế toán, quản lý nguồn lực tổng thể (ERP)...

Với một doanh nghiệp trẻ, bạn không thể tiếp cận ngay các giải pháp có nghiệp vụ phức tạp như ERP được. Hãy bắt đầu với những sản phẩm/giải pháp đơn giản hơn như: website, quản lý nhân sự tiền lương,...Quan trọng nhất là bạn cần tích lũy kinh nghiệm cũng như tư duy khi làm việc với đối tượng khách hàng này.

*
Gia công: những cánh chim đầu đàn bao gồm F-Soft, TMA, CSC, CMC, NCS,...Kế thừa thương hiệu và nguồn lực mạnh mẽ từ Tập đoàn FPT, F-Soft không những là công ty XKPM số 1 Việt Nam mà còn thuộc hạng khủng của Đông Nam Á. Năm 2008, doanh số F-Soft đạt trên 40 triệu USD với trên 2500 nhân sự.

TMA với lợi thế quan hệ của một Việt kiều Mỹ lăn lộn hàng chục năm trong ngành phần mềm (Dr Lệ) là đơn vị hàng đầu ở Sài Gòn với quy mô ~ 1000 nhân sự...Những tên tuổi có tầm vóc như thế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lợi thế mà họ có, các doanh nghiệp phần mềm trẻ không thể có được. Hình ảnh của đa phần các doanh nghiệp trẻ làm XKPM như sau: có một vài client nhỏ (do biết khi làm việc tại nước họ; hoặc "ôm" của công ty mình đang làm việc); dựa vào đó lấy dự án và mở công ty; vừa làm vừa tính chuyện mở rộng tiếp các client khác.

RunSystem-một thành công điển hình cách đây 2 năm- nay bắt đầu rơi vào thế kẹt dự án và phải giảm nhân sự liên tục sau khi đạt tới đỉnh điểm với xấp xỉ 100 người. Có một điều đáng lo ngại là chi phí-được coi là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của Việt Nam-đang tăng lên nhanh chóng do lạm phát. Mới đây, hàng loạt đối tác XKPM với Việt Nam đã phải lên tiếng "Keep the cost low"

*
Online Service: Tiêu biểu là VC Corp, Vinagame,...Có lẽ, đây là lĩnh vực đốt nhiều đam mê nhất của dân CNTT. Rất nhiều tài năng dotcom nở rộ, lụi tàn rồi lại nở rộ. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế và sự nghiệt ngã của hoạt động thu/chi, của cashflow đã bóp chết khối người. Clip.vn coi như chết rồi, aha.vn coi như tiêu rồi,...còn rất nhiều dịch vụ khác nữa.

Mô hình chung của các online service là thế này: có ý tưởng (thực chất đa phần là clone từ nước ngoài), xin tiền đầu tư, hoàn thiện sản phẩm, tăng nhanh số user, tiếp tục mở rộng hạ tầng, tiêu hết tiền và chết. Tại sao online service được kỳ vọng đến vậy, và tại sao kết cục của nó lại thảm hại đến vậy? Tôi xin dành một bài viết riêng cho vấn đề này. Cá nhân mình, tôi không tin tưởng vào con đường online service và nếu bạn khởi nghiệp kinh doanh CNTT, tôi cũng thành thật khuyên bạn không chọn cách đi này.

Nào, bây giờ bạn đã hình dung mình sẽ hoạt động trong lĩnh vực nào chưa?


Một vài lời khuyên cho người mới bắt đầu


*
Dựng một ê-kíp tốt: Điều hành doanh nghiệp không chỉ cần CEO. Còn có CFO lo việc tài chính, COO lo việc sản xuất, phòng nhân sự lo tuyển dụng/đào tạo,...Thế nên, hãy quên đi việc bạn có thể làm tất cả mọi việc. Giống như một ông bầu, bạn cần hình dung đội hình ra sân và tìm người phù hợp cho từng vị trí. Đừng dễ dãi khi lấy người, cũng đừng quá cầu toàn đến mức chỉ tập trung những người giỏi. Chọn người phù hợp là tốt nhất.

Điều quan trọng nhất là, cần đảm bảo những người trong ê-kíp của bạn tôn trọng những giá trị chung cho việc hình thành và phát triển công ty. Chính những giá trị chung đó là chất keo kết dính mọi thành viên trong ê-kíp, giúp họ vững tin ở đồng đội trong những thời điểm ngặt nghèo của doanh nghiệp. Có một quyển sách mà tôi nghĩ các bạn nên đọc "Good to Great" của Jim Collins.

Tôi rất tâm đắc với hình ảnh chiếc xe bus, với cửa trước dành cho right people leo lên, cửa sau tiễn những wrong people xuống đất. Hãy nhớ, trước tiên phải là Who, rồi sau đó mới đến What.

*
Think big, start small: Nói chung, những suy nghĩ giúp bạn dũng cảm khởi nghiệp thường mang màu sắc lãng mạn, bay bổng, vĩ đại. Những viễn cảnh to đẹp hiện ra đến choáng ngợp. Bạn tự hào vì bất chợt phát hiện ra sứ mệnh cao quý của mình.

Bạn vội vã đặt ra những tầm nhìn hoành tráng và áp dụng cách thức kinh doanh của các thần tượng mà bạn mới học được trong sách. Đừng vội vàng. Hãy hình dung mình như một đứa trẻ, trước khi biết chạy thì cần phải tập đi đã. Khi mới tập đi thì phải bám vào tường, đi từng bước rất chậm. Khi xương cốt cứng cáp rồi hãy nghĩ đến việc chạy. Mọi thứ diễn ra theo đúng trật tự của tự nhiên.

*
Danh sách những việc không làm: Tại sao lại không phải là danh sách những việc cần làm? Bạn khởi nghiệp, bạn bắt đầu một cuộc cách mạng và bạn muốn làm ngay mọi thứ để mang đến sự đổi thay. Bạn và cộng sự ngồi thảo luận với nhau và đề ra hàng tá việc cần làm, sao cho doanh nghiệp của bạn mau chóng ra dáng một công ty thành đạt. Ngẫm lại một chút, mỗi một việc cần làm đó đều tiêu tốn nguồn lực ban đầu ít ỏi của bạn. Hãy chỉ làm những việc gì thật cần thiết, tránh hoa hòe hoa sói, tránh phô trương trong buổi khởi đầu

*
Đứng trên vai người khổng lồ: đây là một thành ngữ hay được dùng, nhưng vận dụng nó thì chẳng có mấy ai. Đứng trên vai người khổng lồ rốt cuộc là như thế nào? Ví dụ công ty bạn làm sản phẩm quản lý nhân sự cho doanh nghiệp và xây dựng một sản phẩm x-HRM nào đó của riêng mình. Bạn phát triển sản phẩm (chắc gì đã thành công), bạn marketing cho sản phẩm mới đó (lại tốn tiền nữa rồi) và cố kiếm khách hàng (ai tin vào một sản phẩm mới tinh thế).

Tại sao không tận dụng một sản phẩm đã có thương hiệu (trade mark) của một hãng nổi tiếng (brand)? PeopleSoft chẳng hạn. Tóm lại, trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tôi khuyên các bạn nên để ý tới những sản phẩm/giải pháp của các hãng CNTT lớn và thay vì việc xây dựng sản phẩm, hãy trở thành những người triển khai giải pháp.

Bạn đừng cười tôi không có niềm tin vào phần mềm Việt. Nhìn FPT, tôi tin chứ. Họ đang dùng PeopleSoft thay cho FPT.iHRP, dùng CMS & ASIAN CERC thay cho BOSC. FPT tự hào có hệ thống quản trị tốt nhất Việt Nam và sự thật họ đang dùng Oracle eBusiness Suite để quản lý tổng thể các hoạt động kinh doanh của mình.

*
Tuyển kế toán có kinh nghiệm: Việc này có lẽ dễ làm nhất, nhưng đa phần chúng ta lại quên béng đi mất. Xuề xòa với việc khởi đầu chỉ là những tay mơ, chúng ta để những đồng tiền tuột khỏi tay mà không kịp khép lại, chúng ta khổ sở với vấn đề xử lý cashflow cho từng quãng thời gian, chúng ta bầm dập tơi bời với cơ quan thuế. Tin tôi đi, một kế toán có kinh nghiệm là điều quý giá nhất đối với doanh nghiệp trong buổi khởi đầu

Như đã nói ở đầu, CNTT
là một ngành hấp dẫn trong mắt nhiều người. Mặc dù tranh luận về hiệu quả kinh tế của ngành vẫn tiếp tục sôi nổi, thì những đóng góp của ngành với hoạt động kinh tế, cải cánh hành chính là không thể chối cãi. Làm CNTT cũng như một sứ mệnh đối với nhiều người. Tôi mong rằng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp CNTT hình thành và phát triển; qua đó cung cấp cho người dùng và xã hội những giải pháp tối ưu, hiệu quả.

0 nhận xét: