Vì sao Việt Nam không thể làm như Thái Lan?

0 nhận xét


Việt Nam không thể làm như Thái Lan bỏ tiền ra mua gạo giá cao cho nông dân, tức là chịu lỗ để nông dân được lợi.


Hãng truyền thông Australia ABC dẫn lời giáo sư nông nghiệp kỳ cựu ở Việt Nam Võ Tòng Xuân nhấn mạnh thực tế này và giải thích, Việt Nam không thể làm như vậy được vì nhà nước không có đủ tiền để gánh cho nông dân.
Giáo sư Võ Tòng Xuân nêu rõ, giá gạo nói riêng và giá các loại nông sản nói chung xưa nay vẫn bị thương lái và các công ty lương thực thao túng, trục lợi .
Không ít ý kiến cho rằng giá lúa, gạo thu mua tại Thái Lan cao sẽ khiến cho thương lái nước này sang Campuchia, Việt Nam mua gạo về để bán chênh lện nhưng Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định điều này là không thể bởi Bộ Thương mại Thái Lan có quy trình kiểm tra rất khắt khe chất lượng trước khi nhập kho, nên gạo của Việt Nam lọt vào kho Thái không hề dễ.
Gạo của Thái Lan có uy tín trên thị trường xuất khẩu do nông dân nước này chỉ trồng vài ba giống có chất lượng, được đăng ký rõ ràng, dù năng suất không cao. Trong khi đó, ở Việt Nam có cả trăm giống lúa, nông dân nơi nào cũng muốn trồng lúa có năng suất cao mà không chú ý đến chất lượng. Mặt khác, các thương lái mua về trộn lại để pha chế ra nhiều giống khác nữa. Với cung cách ấy, dù có xuất khẩu nhiều cũng khó tạo được thương hiệu.
Giáo sư Võ Tòng Xuân nêu rõ, bao nhiêu năm nay, vì lợi ích của một số người, dù Việt Nam xuất khẩu gạo với số lượng lớn nhưng người trồng lúa vẫn chưa có được hưởng lợi thật sự.

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, để gạo Việt Nam tạo được uy tín trên thị trường thế giới, nhà nước cũng như người nông dân trồng lúa phải có chính sách rõ ràng. Các đơn vị xuất khẩu phải chấm dứt cung cách làm ăn chụp giật và tuân thủ quy trình khoa học, không lợi dụng người nông dân. Họ cần tạo vùng nguyên liệu ổn định cho riêng mình, đăng ký giống nào sản xuất giống đó, hoặc đặt hàng để cho nông dân sản xuất.

Việc tân Chính phủ Thái Lan của bà Yingluck Shinawatra chi ra khoảng 470 tỉ baht (gần 16 tỉ đô-la Mỹ) để hỗ trợ giá mua lúa cho nông dân. Do vậy, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan sẽ tăng lên khoảng 800 đô-la Mỹ, thay vì 550 đô-la Mỹ như hiện nay. Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam hy vọng đây sẽ là cơ hội để trở thành nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Theo nhận định của Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, điều này là không thể. Lý do là với diện tích trồng lúa khoảng 10,5 triệu ha, mỗi năm Thái Lan sản xuất hơn 22 triệu tấn gạo, dân số chỉ khoảng 62 triệu người, nên có thể xuất khẩu trên 10 triệu tấn gạo. Trong khi đó, Việt Nam có chưa đầy 4 triệu ha trồng lúa với dân số 90 triệu người, nên chỉ có thể xuất khẩu tối đa trên 7 triệu tấn gạo. Dù dốc lực, Việt Nam cũng khó có thể xuất khẩu bằng Thái Lan do còn phải đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Mặt khác, chính sách nâng giá mua gạo sẽ thúc đẩy nông dân Thái mở rộng diện tích trồng lúa trong những năm tới.

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng không thể bằng Thái Lan. Xưa nay gạo Việt Nam luôn phải chịu bán với giá thấp hơn gạo của Thái từ vài chục đến cả trăm đô-la/tấn gạo. Có thể nói, gạo Thái xuất cho người giàu ăn, còn gạo Việt Nam xuất cho dân nghèo. Xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ hơn Thái Lan ở gạo có phẩm chất thấp.

Thái Lan chiếm khoảng 30% lượng gạo xuất khẩu của thế giới, Việt Nam chiếm khoảng 20%, còn lại là các nước khác. Do vậy, việc Thái Lan tăng giá xuất khẩu, sẽ làm cho nhiều nước nhập khẩu gạo tìm đến Việt Nam và đây là cơ hội để tăng giá ké.
Gạo xuất khẩu tăng giá sẽ làm cho giá gạo tiêu thụ nội địa tăng, đặc biệt là gạo Thái Lan. Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, chưa thể thống kê được gạo Thái nhập vào Việt Nam là bao nhiêu, do chủ yếu được nhập lậu. Theo ước đoán Giáo sư Võ Tòng Xuân, khối lượng này khoảng vài trăm tấn/năm và chủ yếu bán cho những người giàu. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cũng cho rằng gạo nhập từ Thái không nhiều, chủ yếu là lấy giống về trồng ở Việt Nam. Mặt khác, gạo Thái Lan được bày bán tại các đại lý, cửa hàng chủ yếu do người bán trộn các loại gạo và tự đặt tên để “lòe” người tiêu dùng.

Cả hai nhà khoa học về nông nghiệp hàng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng sản xuất gạo xuất khẩu chính của Việt Nam, đều cho rằng trong thời gian tới giá gạo có thể sẽ tăng, kéo theo nhiều mặt hàng khác cũng tăng giá. Điều này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến khả năng kiềm chế lạm phát trong nước.

Tuy nhiên, chính phủ sẽ không để giá gạo tăng quá cao. Một giải pháp là tạm ngưng xuất khẩu để kìm giá, như đã từng làm vào năm 2008. Gạo ở Việt Nam không chỉ đơn thuần là lương thực, mà còn là mặt hàng mang yếu tố nhậy cảm.

Thanh Anh

0 nhận xét: